Đóng góp vào đề án Hệ tri thức Việt số hóa, vai trò và trách nhiệm đối với đất nước, cộng đồng
- Thứ tư - 16/05/2018 03:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Được kỳ vọng là một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ, sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn IoT, trí thông minh nhân tạo…, ngày 18/5/2017, đề án “Hệ tri thức Việt số hóa” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 677/QĐ-TTg. Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Ngày 10/01/2018 cổng thông tin tri thức Việt số hoá đã được khởi động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam với địa chỉ http://itrithuc.vn. Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học Công nghệ, Tập đoàn Viettel được giao nhiệm vụ là đầu mối triển khai nhiệm vụ quan trọng này. Đề án Hệ tri thức Việt số hóa bao gồm 4 phân hệ chính: Dữ liệu mở, ngân hàng hỏi đáp, Hệ tri thức và nhà phát triển.
Đại học Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ trở thành đầu mối triển khai quan trọng của Đề án Hệ tri thức Việt số hóa
Việc xây dựng hệ tri thức Việt số hóa phải thông qua nhiều khâu khác nhau, cần có mức độ xã hội hóa cao, huy động các nguồn lực của xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ thanh niên tri thức nhằm khởi dậy trí sáng tạo, đóng góp cho nền tri thức của đất nước.
Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) là Trung tâm giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam, có đội ngũ cán bộ khoa học và người học đông đảo. Số lượng công trình khoa học, các công bố quốc tế hàng năm rất lớn. Với nguồn lực hùng hậu, nhận thức sâu sắc về giá trị của đề án, Đại học Quốc gia Hà Nội đã năng động tiên phong, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên tích cực góp sức cùng đề án. Hơn 10.000 bộ dữ liệu đã được cung cấp cho kho tàng Dữ liệu mở, trở thành nguồn thông tin tra cứu hữu ích vô cùng cho tương lai. Mới đây, đại học Quốc gia Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục đưa thêm 15.000 bài viết chất lượng hơn nữa phát triển cho phân hệ Hệ tri thức.
Đại học Quốc gia Hà Nội là Trung tâm giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam
10.000 bộ dữ liệu đã được thực hiện không phải con số nhỏ. Để đạt được số lượng, chất lượng, trong khi dữ liệu lớn, thời gian ngắn, không thể không kể đến Sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, ý thức trách nhiệm cao, đôn đốc thường xuyên của Ban Giám đốc ĐHQGHN và Ban Giám đốc Trung tâm TT-TV. Đội ngũ cán bộ thư viện có chuyên môn cao, chuyên nghiệp và kinh nghiệm trong xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử. Hạ tầng công nghệ thông tin tốt qua đầu tư cho thư viện của ĐHQGHN và hệ thống máy chủ, phần mềm, đường truyền thông suốt của Vietel. Sự phối hợp tốt, có trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Trung tâm TT-TV và Itrithuc. Tính sẵn sàng của dữ liệu, phục vụ tiêu chí truy cập mọi lúc, mọi nơi của Trung tâm TT-TV.
Những dữ liệu đã được cập nhật trên trang dulieumo.itrithuc.vn là những dữ liệu học thuật rất có giá trị, bao gồm: Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Việt Nam học (lần 1 tới lần 4), Tài liệu Thông tin địa chất và Tài nguyên địa chất Việt Nam, Bài Tạp chí trên 12 chuyên san tạp chí Khoa học ĐHQGHN từ 1984 đến nay.
Đại học Quốc gia Hà Nội tiên phong đóng góp vào công tác số hóa tri thức
Trong tương lai, Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục là đơn vị xung kích, tình nguyện, phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, giữ vững vai trò của đơn vị tiên phong, tiếp tục đóng góp tri thức khoa học và thường thức cho itrithuc.vn nhiều hơn cả về số lượng và chất lượng. Mục tiêu trong thời gian tới, các bài viết sẽ chú trọng lĩnh vực khoa học thường thức phục vụ đa số người dân sử dụng, các khoa học phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Nguồn thông tin từ các trí thức của trường ĐHQGHN, huy động nguồn lực ban đầu từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ĐHQGHN và sẽ do các cán bộ thư viện đăng tải. Tài liệu đăng tải tham khảo trình bày của Wikipedia theo phương thức của “Mười vạn câu hỏi vì sao”. Bên cạnh đó, hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cán bộ thư viện và cán bộ quản lý trang itrithuc là rất cần thiết, nhằm quản lý, duy trì và phát triển dữ liệu bền vững nguồn tài nguyên thông tin phục vụ cộng đồng.